Những biện pháp phòng bệnh cho tôm
Để nuôi tôm đạt được hiệu quả tốt ngoài việc thực hiện đúng kỹ thuật nuôi, người nuôi còn phải theo dõi tình hình hoạt động của tôm và vận dụng biện pháp phòng bệnh và trị bệnh hợp lý. Tuy nhiên, việc kiểm tra và chuẩn đoán mầm bệnh trên tôm rất khó khăn và tôm là động vật sống dưới nước, chúng rất khó quan sát và số lượng rất lớn nên việc xảy ra bệnh và lây lan sang cá thể khác rất nhanh. Muốn phòng bệnh cho tôm đạt hiệu quả cần thực hiện các nguyên tắc cơ bản dưới đây.
Cách chọn tôm giống
Mầm bệnh tiềm ẩn cũng có thể nằm trong cơ thể tôm giống, rồi sau quá trình nuôi sẽ bùng phát. Vì vậy, trước khi thả nuôi bà con cần chọn nguồn con giống uy tín từ cơ sở cung cấp rõ ràng, có các chứng chỉ sạch các loại bệnh nguy hiểm như: virus đốm trắng (WSSV), virus còi (MBV), virus đầu vàng (HPV) và bệnh TAURA trên tôm thẻ chân trắng.
Chọn những nơi cung cấp nguồn giống có thương hiệu, có kiểm tra mầm bệnh bằng các phương pháp PCR hiện đại.
Vệ sinh ao nuôi sau mỗi vụ mùa
Cần vệ sinh ao nuôi trước khi bắt đầu vào vụ mới:
- Đối với ao bạt thì cần chà rửa nền bạt bằng dung dịch diệt khuẩn như clo hay thuốc tím,… để đảm bảo diệt hoàn toàn vi khuẩn và mầm bệnh từ vụ trước.
- Đối với ao đất hay ao bạt bờ, nền đáy sau 1 vụ nuôi thường tích tụ rất nhiều mùn bã hữu cơ. Lớp bùn này chứa rất nhiều vi khuẩn có hại và mầm bệnh, chứa cả khí độc dưới lớp mùn. Vì vậy, bà con cần dọn bớt lớp mùn bã này, phơi đáy ao và rải vôi từ 5 – 7 ngày rồi mới vào nước.
Phải đảm bảo nguồn nước cung cấp và ao nuôi phải sạch, nguồn nước không bị ô nhiễm hay chứa các chất diệt khuẩn hay nhiểm phèn.
Quản lý mật độ nuôi
Mật độ thả nuôi thích hợp sẽ giúp tôm phát triển đồng đều và hạn chế xảy ra bệnh. Khi thả quá nhiều và dày đặt khiến cho lượng thức ăn tôm tiêu thụ lớn, lượng chất thải tôm thải ra cũng lớn làm bẩn nước, sản sinh khí độc và làm bùng phát các mầm bệnh.
Mật độ nuôi thích hợp cho mô hình nuôi thâm canh là từ 50-60 con/m2 hay mô hình siêu thâm canh là từ 200 – 250 con/m2 tùy theo độ rộng và sâu của ao cùng với có lượng nước trữ từ ao lắng thích hợp mà bà con chọn hình thức thả nuôi cho mình.
Quản lý lượng thức ăn
Nên cho ăn theo giai đoạn và theo sự phát triển của tôm. Tôm còn nhỏ thì không nên cho ăn quá nhiều và quá liên tục làm dư lượng thức ăn hay khi tôm lớn bà con nên cho ăn theo kích thước tôm tránh hiện tự dư thừa quá nhiều làm dư thừa thức ăn tạo lớp mùn bã hữu cơ gây hại cho tôm.
Đồng thời, lúc cho ăn có thể bổ sung vitamin C hay các chất khoáng giúp tôm tăng sức đề kháng và mau cứng vỏ sau khi lột.
Quản lý nguồn nước nuôi tôm
Quản lý chất lượng nước là tạo một môi trường tốt nhất cho tôm phát triển , kiểm soát các chỉ tiêu nước như: Độ ph, oxy hòa tan, nồng độ kiềm, độ trong, độ phèn, NO2 và khí độc NH3 phải trong ngưỡng thích hợp của tôm nhằm tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng nhanh.
Ngoài ra trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt tôm thẻ chân trắng nên sử dụng kháng sinh chiết xuất từ tỏi trộn vào thức ăn nhằm phòng bệnh đỏ thân, bệnh cụt râu, bệnh đường ruột cho tôm,…Mỗi ngày cho tôm ăn 1- 2 cử, cho ăn liên tục 5-7 ngày, liều lượng 10 ml/kg thức ăn và mỗi đợt ngưng 15 ngày mới cho tôm ăn lại. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cũng nên diệt khuẩn định kỳ giúp ao sạch khuẩn và không tồn dư các mầm bệnh tiềm ẩn. Sau khi diệt khuẩn 2-3 ngày thì cấy lại vi sinh có lợi giúp ổn định nguồn nước.
Tóm lại, muốn có một vụ nuôi thành công thì có rất nhiều tiêu chí mà bà con cần quan tâm. Vì thế, bà con cần thật sự chú tâm đến con tôm và quan tâm chăm sóc nguồn nước để luôn đảm bảo được tôm khỏe mạnh và phát triển đồng đều và sớm về đích để gặt hái thành công.
12,137 Lượt xem, 1 Hôm nay